Lịch sử Phật Giáo thế giới hơn hai mươi lăm thế kỷ qua không thiếu những câu chuyện có sức thu hút đặc biệt về những đấng minh quân đem Chánh Pháp của đức Phật ra để trị quốc. Chẳng hạn, Vua A-dục (Aśoka - 304-232 BC) ở Ấn Độ, Vua Lương Võ Đế (464-549) ở Trung Hoa, Vua Songtsän Gampo (thế kỷ thứ 7 Tây lịch) ở Tây Tạng, Thánh Đức Thái Tử (574-622) ở Nhật Bản, Vua Trần Nhân Tông (1258-1308) ở Việt Nam, v.v... Trong đó Thánh Đức Thái Tử là trường hợp rất đặc biệt, như Giáo Sư người Nhật Hajime Nakamura đã giới thiệu như sau trong bài thuyết trình có tiêu đề "Lý Tưởng Của Một Quốc Gia Theo Thánh Đức Thái Tử," tại Đại Học Vạn Hạnh vào ngày 12 tháng 5 năm 1973, qua bản dịch Việt ngữ của Thầy Tuệ Sỹ "Tuy nhiên, phải đợi đến triều Suy Cổ Thiên Hoàng (Kuikoi 592-628), Phật Giáo mới được thành danh tại Nhật Bản. Khuôn mặt ngoại hạng suốt trong thời kỳ này là Thánh Đức Thái Tử, một khuôn mặt nhân đức nhất và tuyệt hảo nhất trong số tất cả những nhà cai trị của Nhật Bản và đích thực là người khai sáng Phật Giáo tại Nhật bản." (tr. 22) Một trong những điểm nổi bật mà Thánh Đức Thái Tử đóng góp cho Nhật Bản là việc ông đã dựa vào tinh thần Phật Giáo để soạn ra Thập Thất Chương Ước Pháp (17 Chương Ước Pháp), là Hiến Pháp đầu tiên của nước Nhật, theo Giáo Sư Hajime Nakamura. "Năm 604 Thánh Đức Thái Tử ban hành văn kiện thường được gọi là "Mười Bảy Chương Ước Pháp." Đây là pháp chế đầu tiên của Nhật Bản, nó đặc trưng cho dòng phát triển tân kỳ và sáng tạo của tư tưởng Nhật Bản vào thời đó, căn cứ cốt yếu trên tinh thần Phật Giáo và thâu thái các quan niệm của Trung Hoa và Ấn Độ. Có thể nói, đó là Đại Hiến Chương (Magnar Charta) của quốc gia." (tr. 23) Điều thật hấp dẫn đối với chúng ta ngày nay là sự kiện một ngàn bốn trăm năm trước, Thánh Đức Thái Tử đã dựa vào tinh thần của Phật Giáo để "bác bỏ chính sách chuyên chế hay sự cai trị độc tài độc đoán, bất chấp tính chất thiết yếu phải thảo luận với kẻ khác," theo GS. Hajime Nakamura. Và ông cho rằng đó "có thể coi như là phôi thai cho tư tưởng dân chủ của Nhật Bản." GS. Nakamura đã giải thích thêm về chứng lý để từ đó Thánh Đức Thái Tử có quan điểm và lập trường dân chủ như sau: "Do đó, hình như nó cho phép chúng ta nhận rằng Thánh Đức đã thừa hưởng và khai triển quan niệm đó từ Thần đạo (Shintô) nguyên thủy. Mặt khác, cũng có thể rằng các qui luật của Tăng đồ Phật giáo đã ảnh hưởng đến tư tưởng của Hoàng Thái tử. Những qui luật này được kể rõ chi tiết trong các kinh điển quen thuộc đối với Thánh Đức, và chúng bao gồm qui luật về quyết định đa số." (tr. 46)
Hinweis: Dieser Artikel kann nur an eine deutsche Lieferadresse ausgeliefert werden.
Hinweis: Dieser Artikel kann nur an eine deutsche Lieferadresse ausgeliefert werden.